Giấy sấy quần áo - Dryer sheet hay còn gọi là giấy sấy thơm, giấy thơm, giấy ủ thơm… Đây là sản phẩm sử dụng trong giặt là rất được ưa chuộng ở các nước Âu Mỹ. Thay vì sử dụng nước xả vải, người ta sử dụng dryer sheet để “ướp” hương cho quần áo. Không chỉ mang lại hương thơm lâu dài, chúng còn giúp vải vóc mềm mại.
Giấy sấy quần áo ra đời như thế nào?
Vào những năm 1960, sau nhiều lần quan sát vợ mình phải quay lại phòng giặt chỉ để cho nước xả vải vào chu trình giặt cuối của máy giặt, Conrad Gaiser – một nhân viên làm trong ngành xà phòng và chất tẩy rửa đã quyết định sử dụng một miếng vải ngâm nước xả vải, để vợ mình có thể thêm nó vào quần áo trong máy sấy. Năm 1969, ông đã có bằng sáng chế và bán ý tưởng này cho Procter & Gamble. Ý tưởng trên được tung ra thị trường vào năm 1975 và phổ biến tới tận bây giờ, người ta sử dụng giấy sấy quần áo như một cách để lưu hương cho quần áo, giúp giảm xơ vải, giảm tĩnh điện cho quần áo trong quá trình sấy.
Giấy sấy quần áo hoạt động như thế nào?
Sức nóng của máy sấy sẽ từ từ làm tan chảy các hợp chất làm mềm được tẩm trên giấy. Các hợp chất này sẽ được hòa quyện vào sợi vải quần áo trong quá trình sấy, chuỗi axit béo mới sẽ được bám vào làm vải mềm và mượt hơn, giúp hạn chế việc làm sợi vải bị xơ và xù, đồng thời giảm tĩnh điện cho quần áo. Tuy nhiên các chất cặn bẩn có thể tích tụ trên bề mặt vải, làm sợi vải kém thoáng khí nếu chúng không được làm sạch vào chu trình giặt tới. Việc này có thể nhận ra qua khăn tắm. Mặc dù giấy sấy quần áo giúp mềm vải hơn, nhưng nó cũng làm giảm khả năng thấm hút nước và có thể bám mùi dễ dàng hơn, thậm chí còn gây kích ứng cho da và khướu giác của người sử dụng.
Vậy làm thế nào để hạn chế tác hại của giấy sấy?
1.Sử dụng giấy sấy không mùi hoặc giấy sấy có hương liệu thực vật. Nguyên liệu dùng để chưng cất nước hoa hoặc tinh dầu có nguồn gốc từ thực vật thường ít tạo ra phản ứng tiêu cực hơn so với thành phần khác. Hãy lựa chọn thương hiệu giấy sấy có biểu tượng An toàn do cơ quan Bảo vệ môi trường EPA cấp.
2.Chỉ sử dụng một nửa tờ giấy thay vì sử dụng diện tích của cả tờ giấy cho một lần sấy.
3.Sử dụng bóng sấy thay vì giấy sấy. Bóng sấy giúp giảm giảm tĩnh điện và làm mềm quần áo bằng nguyên tắc vật lý, tốt không kém giấy sấy. Ngoài ra bóng sấy còn giúp tiết kiệm chi phí, có thể tái sử dụng nhiều lần, bảo vệ môi trường và sức khỏe
4.Làm mềm quần áo của bạn bằng giấm trắng chưng cất. Bạn có thể cho một ly nhỏ giấm trắng chưng cất vào chu trình giặt xả cuối, việc làm này có thể giúp làm giảm cặn bột giặt và chất làm mềm vải còn tích tụ trên sợi vải, giúp quần áo của bạn mềm mại hơn và giảm tình trạng xước vải.
5.Giặt đồ đúng cách: không sử dụng quá nhiều nước giặt hoặc bột giặt, sử dụng nhiệt độ nước thích hợp với đúng loại quần áo, lắp hệ thống xử lý nước cứng nếu cần thiết để gia tăng tuổi thọ của quần áo và cả thiết bị giặt của bạn nữa.
Theo thespruce.com